Bối cảnh BAJARAKA

Sau Hiệp định Genève,[1] thủ tướng Ngô Đình Diệm cho hủy bỏ quy chế Hoàng triều Cương thổ, tức chấm dứt đặc quyền của Quốc trưởng Bảo Đại trên vùng Cao nguyên và gom vùng đất này vào lãnh thổ chung của Quốc gia Việt Nam. Cũng theo đó thì Tòa án dựa trên phong tục của các sắc tộc người Thượng bị bãi bỏ, thay thế bằng luật pháp quốc gia. Chủ ý của chính sách mới là để gây dựng Kinh Thượng bình đẳng, đoàn kết và hội nhập để phát triển.[2]

Sau khi thành lập Việt Nam Cộng hòa thì chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa mở Văn phòng Cố vấn Thượng Vụ, sau nâng lên thành Nha Công tác Xã hội Miền Thượng trực thuộc Phủ Tổng thống để điều hành việc phát triển kinh tế và xã hội vùng Cao nguyên. Về mặt kinh tế có khoản mở rộng đất đai canh tác và lập các khu dinh điền, định cư hàng trăm nghìn người từ miền Bắc di cư vào Nam. Một số được đưa lên vùng sơn cước.[2]

Về mặt hành chánh chính phủ cũng bãi bỏ ngạch công chức riêng của người Thượng kể từ ngày 9 tháng 5 năm 1958 theo tuyên bố của Tổng thống Ngô Đình Diệm: "Dù Kinh hay Thượng phải căn cứ vào học vấn hay năng lực mà sử dụng." Một số người Thượng trước được hưởng ưu tiên nay mất địa vị đó. Trong khi đó thì cuộc cải cách điền địa tiến hành khiến người Thượng mất quyền sở hữu cha truyền con nối trên đất đai của họ. Những yếu tố này dần gia tăng bất mãn trong cộng đồng người Thượng. Chính quyền cũng giải tán tòa án phong tục thời phong kiến với mục đích đưa luật pháp quốc gia lên hàng đầu. Tuy không có văn kiện nào chính thức bãi bỏ quy chế trên nhưng trong thực tế các tòa án dùng luật tục của người Thượng không được duy trì, càng thêm tạo xung đột giữa dân Thượng và chính quyền.[3]